Tiềm năng đầu tư bất động sản Hòa Bình
20/05/2024Nhờ lợi thế khoảng cách địa lý, liên kết vùng thuận tiện…, bất động sản Hòa Bình đang đứng trước cơ hội phát triển, là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Trong bối cảnh giá bất động sản tại Hà Nội ngày một tăng cao, giới đầu tư dự án cũng như các nhà đầu tư bất động sản ngày càng quan tâm đến thị trường tại các tỉnh lân cận. Trong đó, Hòa Bình là một trong những thị trường nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Hòa Bình sở hữu dư địa đất cát lớn, dòng vốn đầu tư mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và hạ tầng giao thông hoàn thiện.
Nằm sát Hà Nội, Hòa Bình sở hữu vị trí chiến lược ở khu vực phía Tây thành phố, là cửa ngõ kết nối vùng Tây Bắc với Thủ đô và các tỉnh lân cận. Chính quyền địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, điển hình là dự án cao tốc Hòa Bình – Hoà Lạc, đại lộ Thăng Long – Hoà Bình (quý IV/2023), dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (quý II/2024). Từ 2026, sau khi hoàn thành, các trục đường này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình và ngược lại.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái như diện tích đất tự nhiên lớn, gần 4,6 km2; khí hậu mát mẻ; văn hóa địa phương độc đáo của dân tộc Mường, Thái; các địa danh nổi tiếng như hồ Hòa Bình, Thung Nai, động Thác Bờ, suối khoáng nóng Kim Bôi…
Nguyên nhân cốt lõi giúp bất động sản Hòa Bình phát triển mạnh là sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Phát biểu tại hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư vừa qua, ông Nguyễn Phi Long – Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, các nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, để Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững.
Từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình có nhiều động thái hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, như rà soát kế hoạch sử dụng đất, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như: lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hưởng lợi từ những chính sách, quy định của Chính phủ như Nghị quyết số 33, Nghị định 08, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội…
Hành lang pháp lý thuận lợi, hạ tầng giao thông được xây dựng hiện đại, điều kiện thiên nhiên ôn hòa kết hợp với nền văn hóa đa sắc là những yếu tố giúp thị trường bất động sản Hòa Bình được quan tâm.
Vì vậy, nhiều chủ đầu tư có kế hoạch bài bản, lâu dài để phát triển các dự án tại đây. Bên cạnh các sản phẩm nghỉ dưỡng thuần túy, nhà ở homestay, khu du lịch sinh thái… dòng bất động sản well-being cũng bắt đầu được xây dựng trên đất Hòa Bình.
Đây là những dự án chú trọng đến hành trình trải nghiệm, nhằm tạo ra cuộc sống cân bằng về thể chất, tinh thần và kinh tế cho khách hàng. Tiêu chuẩn về well-being tại các dự án này được tuân thủ theo các yếu tố do Global Institute (viện Sức khỏe toàn cầu) nghiên cứu và công bố.
Vẻ đẹp hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: AGroup
Một chuyên gia nhận xét, bất động sản well-being là phiên bản nâng cấp, hoàn thiện của bất động sản wellness. Lợi ích trước mắt và rõ ràng của sản phẩm bất động sản này tập trung vào người dùng cuối cùng (end-users); triết lý của sản phẩm là: cung cấp môi trường “khỏe mạnh” cho cư dân sống, làm việc và vui chơi.
Điều này đạt được thông qua sự kết hợp hài hòa giữa việc lựa chọn vị trí dự án, chú trọng vào thiết kế kiến trúc, cảnh quan; hơn thế là quá trình lựa chọn vật liệu xây dựng mang tính bản địa, ứng dụng công nghệ… Việc phát triển một sản phẩm bất động sản well-being nhằm hướng khách hàng tới cân bằng cả thân – tâm – trí.
Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển xu hướng đầu tư của thị trường bất động sản sang các tỉnh vùng ven Hà Nội nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng đã xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Năm 2024 hứa hẹn là thời điểm để bất động sản Hòa Bình “cất cánh” nhờ thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đây cũng là đòn bẩy cho mục tiêu thúc đẩy kinh tế, du lịch, thương mại tại Hòa Bình.
Nguồn: Theo Vnexpress.net