Thị trường bất động sản Hòa Bình – thổi giá, đất nền tăng cục bộ
13/01/2022Thị trường bất động sản TP Hòa Bình đang có chiều hướng tăng giá cùng các tỉnh, thành phố trên cả nước.Ảnh chụp tại Trung tâm phường Quỳnh Lâm.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch Covid-19 nhưng theo đánh giá, thị trường BĐS TP Hòa Bình có sức tăng tương đối khá tại một số dự án có vị trí đẹp. Điển hình như tại bờ trái sông Đà, giá bán đất nền tại dự án cảng Chân dê có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái, hiện mức giá chuyển nhượng từ 21 – 24 triệu đồng/m2 các lô đất phía trong, còn với lô mặt tiền đường lớn được nhận định lên đến trên 30 – 40 triệu đồng/m2, nhưng rất khó mua vì lượng cung gần như không có. Lý do được cho khu vực này khá gần UBND thành phố mới được đưa vào sử dụng nên tác động đáng kể đến tâm lý người mua. Thêm nữa, dự án cầu Hòa Bình 2 đang thi công cách đó không xa cũng góp phần đẩy giá đất khu này tăng mạnh. Mặc dù vậy, giá đất được rao bán ở khu này hầu hết do đội môi giới đưa ra, cao hơn khá nhiều so với một số dự án đất nền gần đó như dự án khu dân cư tổ 7, phường Thịnh Lang, hay tại khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà hiện cũng chỉ 14 -15 triệu đồng cho mỗi m2 đất nền.
Thị trường BĐS bờ phải sông Đà cũng có những dấu hiệu tăng nhưng chỉ cục bộ tại một số trục đường rộng. Tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 – 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong chỉ ở mức 17 – 18 triệu đồng/m2 còn rao bán khá nhiều trên các trang mạng.
Đối với những khu vực khác thuộc địa bàn trung tâm và vùng ven TP Hòa Bình nhìn chung vẫn đứng giá so với cuối năm 2020 và không nhiều giao dịch.
Lý giải cho việc tăng giá cục bộ đất nền khu vực TP Hòa Bình, anh Dũng, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại thành phố cho biết, phân khúc đất nền trên địa bàn mặc dù có khá nhiều nguồn cung, nhưng do nhiều nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi vẫn tìm BĐS là nơi để “găm tiền” theo cách tìm kiếm lợi nhuận lâu dài so với gửi tiền tiết kiệm ở mức thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, tình trạng một số chủ vườn lan kiếm được khá nhiều tiền thời gian qua liên tục đổ tiền vào đất nền vị trí đẹp, cũng khiến đất nền tăng giá một cách cục bộ. Mặt khác, nhiều môi giới thi nhau hét giá hòng kiếm chênh lệch lớn cũng làm cho giá đất nền một số vị trí tăng ảo, trong khi giao dịch thực không nhiều.
Môi giới thổi giá đất rừng, đất nông nghiệp và hệ lụy
Nếu tại khu vực trung tâm TP Hòa Bình – tâm điểm của sốt cục bộ BĐS, nhà đầu tư tìm mua đất thổ cư vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn nhằm tìm kiếm lợi nhuận gia tăng theo tốc độ đô thị hóa thì tại huyện Lương Sơn và vùng ven TP Hòa Bình (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ), khu vực hồ Hòa Bình, huyện Kim Bôi, Lạc Sơn… làn sóng đầu tư chủ yếu người dân Hà Nội lên tìm hiểu khiến thị trường BĐS khá nóng. Thậm chí, cách thức rao bán của đại bộ phận môi giới cũng là nguyên nhân làm “méo mó” thị trường BĐS ở các địa phương. Cùng với đó, giới “cò đất” thi nhau đẩy giá ảo khiến không ít người lầm tưởng giao dịch được thực hiện liên tục.
Thực tế trong thời gian qua, trên các báo T.Ư có nhiều bài viết về sốt đất tại Lương Sơn, trong đó, xã Nhuận Trạch cũng là tâm điểm về lĩnh vực này. Trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch được biết, tình hình chuyển nhượng đất vườn, đất ở trên địa bàn xã giao dịch có hơn chút ít so với các năm trước, nhưng không có đột biến, nóng sốt như báo chí và những người môi giới đưa tin.
Ngay trên Group Mua bán nhà đất tỉnh Hòa Bình 360, thông tin liên tục rao bán đất ven hồ Hòa Bình, đất trang trại tại địa bàn huyện Lương Sơn, Kim Bôi, TP Hòa Bình… nhưng hầu như không có mấy người hỏi thăm. Ai cũng nghĩ thị trường BĐS nóng sốt nhưng thực tế giao dịch rất ít, hầu hết toàn người môi giới rao bán còn người tìm mua hầu như không quan tâm lắm.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch, việc báo chí đưa tin về sốt đất cùng với những chiêu thổi giá của môi giới sẽ khiến cho thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng sau này trên địa bàn xã nói riêng và huyện Lương Sơn nói chung gặp khó khăn. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến phát triển KT-XH địa phương.
Còn theo các chuyên gia về BĐS, một kịch bản chung cho các cơn sốt đất thời điểm đầu năm 2021 là ăn theo thông tin quy hoạch như đề xuất sân bay, đường cao tốc, siêu dự án. Đối với tỉnh Hòa Bình là quy hoạch hồ Hòa Bình, các dự án BĐS được các tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu đầu tư tại các huyện, thành phố…
Các chuyên gia cũng cảnh báo những cơn sốt đất không chỉ tác động đến KT-XH, việc làm của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… Đặc biệt là đối với đất rừng phòng hộ hồ Hòa Bình, đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp… khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH sẽ gây hệ lụy đáng kể đến những người dân trót mua giá cao mong muốn làm giàu nhanh. Do đó, Nhà nước và lãnh đạo địa phương cần quan tâm, kiểm soát sát sao thực trạng này.