Tin tức - sự kiện

  • Trang chủ
  • Tin tức - sự kiện
  • Hội thảo dạy học phát triển năng lực học sinh tiểu học thành công vượt hơn mong đợi: nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường!

Các chuyên gia, nhà quản lý phát biểu say sưa dù đã quá 12 giờ trưa… Các chủ đề thảo luận thiết thực và hấp dẫn, ngay cả các thầy cô giáo trẻ cũng tự tin đứng trên sân khấu trình bày… Sự tâm huyết về công tác chuyên môn của các vị lãnh đạo Bộ, Sở giáo dục và đào tạo… Tất cả đã tạo nên một một buổi Hội thảo thực chất. Như kết luận của TS. Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc phụ trách Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hoà Bình: “Hội thảo thành công không phải vì mọi vấn đề đều được giải quyết mà nó đã tạo ra hướng mở cho những hội thảo tiếp theo… Tôi cảm nhận Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp đã đi đúng hướng và tiệm cận giáo dục các nước phát triển.”

6 báo cáo và một phần của hơn 60 câu hỏi đã được trình bày và giải đáp trong gần 4 giờ của Hội thảo Dạy học phát triển năng lực học sinh ở trường Tiểu học do Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp tổ chức. Với sự tham gia của những nhà khoa học, nhà quản lý, những người tâm huyết với chuyên môn trong một chủ đề nóng là đổi mới giáo dục, Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều ý kiến sâu sắc, giúp cho đội ngũ của Trường tiểu học Dạ Hợp có thêm các chất liệu quý báu để hoàn thiện mình hơn nữa.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Trí, Vụ phó Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất vui vì tỉnh Hoà Bình đã triển khai tốt chính sách của Đảng và Nhà nước khi huy động được tất cả các lực lượng xã hội tham gia đổi mới giáo dục. Tôi đánh giá cao quan điểm giáo dục “Đa trí tuệ” mà Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp theo đuổi và hy vọng nhà trường sẽ làm thật tốt để học sinh giỏi gì thì được phát triển tài năng đó.”

Thạc sỹ Kim Thị Hồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hoà Bình bày tỏ sự biết ơn chân thành đến các thầy ở Vụ giáo dục Tiểu học, các chuyên gia từ Vụ giáo dục Phổ thông đã chia sẻ các kiến thức “Dù ở vai trò lãnh đạo nhưng hôm nay tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Mô hình hội thảo như thế này cần tiếp tục được triển khai vì rất tốt cho địa phương.”

Tiến sỹ Hồ Vĩnh Thắng từ Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT sau khi nghe trình bày báo cáo về giáo dục STEM đã cung cấp thêm thông tin về phương pháp giáo dục này: “Giáo dục STEM là nội dung để đổi mới giáo dục toàn diện vì nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực. Đây là một trong những phương phát phát triển năng lực học sinh quan trọng vì có một cách tiếp cận mới. Đó là tìm hiểu xem các vấn đề xã hội là gì rồi đem vào lớp để giải quyết và dạy học. Nhờ đó tạo ra cảm hứng và mong muốn giải quyết vấn đề không chỉ với học sinh, giáo viên mà cả phụ huynh.”

Cũng liên quan đến giáo dục STEM nhưng ở trung học phổ thông, Thạc sỹ Phạm Đình Mẫn, giáo viên phụ trách môn Vật lý, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý “Dự án kinh doanh STEM có được phép đưa vào trường hay không?” Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học trả lời “Giáo dục tài chính là một chủ đề quan trọng đối với học sinh phổ thông. Bộ đã có nghiên cứu về vấn đề này và từng hợp tác với Ngân hàng thế giới (World Bank) trong một số dự án liên quan. Như vậy, về chủ trương, đây là việc nên làm.”


Giáo dục đảo ngược (Flip education) trong dạy học tiếng Anh cũng là một chủ đề trình bày trong Hội thảo được quan tâm. Cô Hoàng Thị Sáu, phụ trách tiếng Anh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hoà Bình đánh giá cao cách tiếp cận mới mẻ này với lưu ý “Học sinh cần kiến thức nền và được hỗ trợ về công nghệ thông tin để có thể tham gia vào các giờ học đảo ngược một cách hiệu quả”

Chủ đề dạy học phân hoá được chú ý một cách toàn diện từ chuyên gia tới phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thị Phiến, phụ huynh 2 học sinh đang theo học tại lớp 2A bày tỏ mong muốn giáo dục phân hoá bù đắp lỗ hổng về năng lực và tạo hứng thú cho mỗi học sinh.

Chia sẻ về nội dung này, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả nhiều tài liệu dạy học phát triển năng lực và thành viên Hội đồng tư vấn, đào tạo và phát triển chương trình của Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp làm rõ thêm “Việc dạy học phân hoá cần phải chú ý đến cả 4 khía cạnh: phân hoá là gì, có những loại nào, tại sao phân hoá và vận dụng việc phân hoá như thế nào. Trong đó, việc phân hoá phải chú ý đến yếu tố “vừa sức” cho học sinh. Vừa sức có nghĩa là có sự thách thức đối với học sinh và các em có thể hoàn thành nếu nỗ lực. Ví dụ, sức của học sinh là 10 thì mục tiêu 11 có thể là vừa sức nhưng không thể đặt mục tiêu này với các học sinh ở mức 5 hay mức 15.”

Trước đây, dạy học là theo định hướng nội dung, tức là chú trọng việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho học sinh. Còn dạy học phát triển năng lực học sinh lại thiên về việc hình thành các loại năng lực giúp học sinh có thể ứng dụng những kiến thức và kỹ năng trong thực tế cuộc sống. Nội dung này đã được trao đổi một cách sôi nổi, đặc biệt là trong đội ngũ các nhà quản lý giáo dục tiểu học tại thành phố Hoà Bình. Cô Hà Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám và cô Trần Thị Phương đến từ trường Tiểu học Trần Quốc Toản đặt ra câu hỏi quan trọng là có phân hoá hay không trong việc viết mục tiêu.


PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp trả lời “Trong việc truyền thụ kiến thức thì không phân hoá vì đó là nền tảng, chỉ tiến hành phân hoá đối với hoạt động thực hành, ứng dụng và mở rộng. Do đó, mục tiêu bài soạn không có sự phân hoá.” Tuy nhiên, TS. Phạm Ngọc Trí lại đưa ra quan điểm mở “Nếu giáo dục Dạ Hợp có thể đưa được ra được việc phân hoá ngay từ trong việc viết mục tiêu bài học thì đó sẽ là một điểm khác biệt.”

Công tác đánh giá bài soạn là nội dung được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dạ Hợp, cô Nguyễn Thị Tuyết, trình bày một cách ngắn gọn. Đây là một nội dung quan trọng tại Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp vì đánh giá đúng là cực kỳ quan trọng. Để đánh giá đúng thì phải có căn cứ đánh giá và căn cứ đó phải được thống nhất trước khi đánh giá. Một nội dung khác có liên quan là việc đánh giá hoạt động trải nghiệm do cô Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học Dạ Hợp trình bày. Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp trong việc chuẩn hoá công tác đánh giá vì đây là một việc làm không hề đơn giản.

Phát biểu cảm nhận về Hội thảo, Cô Đào Thị Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, người đã dìu dắt, hỗ trợ đội ngũ giáo viên Dạ Hợp từ những ngày đầu tiên, thể hiện sự bất ngờ vì sự tiến bộ vượt bậc của các học trò. Cô bộc bạch “Ngay cả các giáo viên nhiều kinh nghiệm của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng chưa chắc đã thể hiện một cách tự tin như vậy trước các nhà khoa học và chuyên gia như tại đây. Tôi đánh giá cao và tin tưởng rằng việc giáo viên dám làm, dám trải nghiệm như khẩu hiệu của nhà trường “được thử, được sai, được đứng lên làm lại”, Dạ Hợp sẽ làm được”

Còn thầy Phạm Ngọc Nhất, Trưởng Phòng GD&ĐT Huyện Cao Phong, tỏ ra ngỡ ngàng vì đến hôm nay mới được biết một mô hình giáo dục phát triển nhưng ngay gần bên cạnh mình “Dạ Hợp đã làm được một việc rất hay là dạy học đúng với quy luật của quá trình nhận thức: Nhìn. Cảm. Nghĩ. Làm.”

Thạc sỹ Bùi Thị Ngọc Diệp đến từ Viện khoa học giáo dục Việt Nam trong phần cảm nhận của mình đã tâm huyết nhận xét về Hội thảo bằng chính khẩu hiệu của Hệ thống giáo dục Dạ Hợp: “Tôi NHÌN thấy được nhiệt huyết của giáo viên Dạ Hợp, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chia sẻ. Tôi CẢM thấy tin tưởng vào sự triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới từ Sở, Phòng GD và Nhà trường. Tôi NGHĨ cần lên kế hoạch để triển khai các nội dung này đến với phụ huynh học sinh. Và từ LÀM là việc thực hiện các hội thảo chuyên đề tiếp theo về các nội dung mà hội thảo này chưa thể phân tích sâu.”

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình nêu cảm nhận “Tham dự hội thảo tôi mới thấy việc dạy học phát triển năng lực không bao giờ là đủ. Hội thảo này đã thành công vượt ngoài mong đợi và tạo động lực cho nhiều nhà trường.”

Phát biểu tổng kết, TS. Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc phụ trách Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hoà Bình nhận định “Việc dám tổ chức một hội thảo về chủ đề dạy học phát triển năng lực đã là một thành công. Ngoài ra, hội thảo cũng mở ra các chuyên đề cho những hội thảo khác. Tôi mong muốn Dạ Hợp tiếp tục có những hội thảo chuyên đề tiếp theo để đào sâu thêm chủ đề dạy học phát triển năng lực. Nếu Dạ Hợp sẵn lòng, Sở GD&ĐT có thể lựa chọn đây làm đơn vị thí điểm để xây dựng mô hình giáo dục cho địa phương”./.