Giải mã nguồn cơn khiến bất động sản Hòa Bình “bứt tốc“
04/01/2023Những năm qua, nhiều động lực đã thúc đẩy thị trường bất động sản Hòa Bình bứt phá, thu hút các doanh nghiệp đổ bộ vào đầu tư dự án và tạo ra một hấp lực mãnh liệt khiến nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Nhiều loại hình sản phẩm “hút” nhà đầu tư
Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Hoà Bình ghi nhận những tín hiệu tích cực. Hàng loạt dự án với quy mô cả trăm héc-ta và tổng mức đầu tư nghìn tỷ đồng được cấp phép, đi vào triển khai thi công xây dựng và đã có nhiều thời điểm tạo ra cơn “sốt” trong giới đầu tư bất động sản.
Theo thống kê tìm kiếm, Hoà Bình nổi lên như một hiện tượng, lượng quan tâm tăng mạnh đặc biệt là với bất động sản, nhất là ở các khu vực như: TP. Hoà Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi… Khảo sát cho thấy, riêng khu vực TP. Hoà Bình giá đất hàng năm tăng trung bình khoảng 10 – 15%, các huyện còn lại tăng 10%.
Thị trường bất động sản Hòa Bình hiện nay có nhiều loại hình sản phẩm cho các nhà đầu tư lựa chọn. Đặc biệt, tại khu vực TP. Hòa Bình, đất thổ cư và đất nền dự án có vị trí đẹp là ưu tiên của các “thượng đế”. Riêng khu vực huyện Kim Bôi và Lương Sơn, với địa hình đồng bằng và núi thấp, nhiều khe suối, sông hồ tự nhiên và cách Hà Nội chỉ 30 – 40km, rất thuận lợi để phát triển nghỉ dưỡng ven đô.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, tỉnh Hòa Bình có địa hình chủ yếu là đồi núi, sẽ là bất lợi để phát triển bất động sản công nghiệp. Thế nhưng đổi lại, nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, đời sống văn hóa đa dạng, thuận tiện phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nếu đầu tư đúng cách.
Một nhà đầu tư chia sẻ: “Ngoại trừ phân khúc sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được ra hàng bởi các chủ đầu tư dự án lớn, một bộ phận các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này theo hình thức gom đất thổ cư, có sổ đỏ rồi phân lô bán nền, đặc biệt ở các khu vực có vị trí tiếp giáp Hà Nội và đường giao thông đi lại thuận tiện theo cao tốc Đại lộ Thăng Long hoặc Quốc lộ 6”.
Có thể thấy, thị trường bất động sản Hòa Bình đang ngày càng trở nên sôi động và tạo lực “hút” các doanh nghiệp đổ bộ vào đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2020, địa phương thu hút tổng số vốn lên tới 94.000 tỷ đồng.
Phát triển hạ tầng “nâng cánh” bất động sản
Nếu quan sát hành trình phát triển kinh tế – xã hội của Hòa Bình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay đổi chóng mặt của một tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm qua, Hòa Bình tích cực đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng vào quy hoạch, triển khai thi công và đưa vào sử dụng. Trong đó, tuyến Đại lộ Thăng Long – Hòa Bình, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Hòa Bình chỉ còn một giờ di chuyển.
Theo kế hoạch, 5 năm tới, tỉnh tiếp tục huy động trên 120.000 tỷ đồng để đẩy mạnh hoàn thiện các tuyến giao thông then chốt. Trong đó, đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình (6 làn xe, hành lang rộng 120m) được xác định là dự án trọng điểm, kết nối liền mạch Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với Hà Nội và các địa phương trong khu vực.
Ngoài ra, Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu) cũng được tích cực thúc đẩy, đảm bảo chính sách phát triển vùng động lực. Song song, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mạng lưới giao thông theo quy hoạch như cầu Hòa Bình 2, các tuyến đường tỉnh 435, 438, 433, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn – Tân Lạc…
Cùng với đó, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng rất quan tâm đề xuất triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường nối TP. Hòa Bình – Kim Bôi, đường tỉnh 450, đường tỉnh 436… Tỉnh cũng đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đường Hồ Chí Minh – vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh), xây dựng các tuyến tránh qua khu vực đông dân cư ở các thị trấn…
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế có tính liên kết vùng. Cụ thể, tỉnh này đã sử dụng các nguồn ngân sách hỗ trợ để đầu tư các tuyến đường kết nối khu du lịch hồ Hòa Bình đến khu du lịch Đồng Tâm, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch giữa Hòa Bình với Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình…
Với tầm nhìn chiến lược dài hơi như trên, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, các tuyến giao thông này sẽ góp phần gia tăng khả năng kết nối, giao thương giữa Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam – Phú Thọ – Sơn La – Lào Cai, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư. Những yếu tố kể trên đã tạo động lực lớn thúc đẩy thị trường bất động sản Hòa Bình phát triển đúng hướng và được đánh giá là rất giàu tiềm năng để sinh lời.
Một số môi giới bất động sản đánh giá, Hòa Bình là thị trường mang giá trị thực với quy hoạch tiềm năng và quỹ đất lớn. “Tỉnh Hòa Bình có nhiều lợi thế như vị trí liền kề Hà Nội, hệ thống chính quyền năng động có tầm nhìn, kinh tế tăng trưởng bền vững, hạ tầng đô thị dần kết nối hoàn chỉnh, thiên nhiên ưu đãi với nhiều điểm đến hấp dẫn, văn hoá bản địa đặc sắc… Bởi vậy, thị trường bất động sản nơi đây đã, đang tăng tốc và tạo sức hút rất lớn với các nhà đầu tư, nhất là tại các khu vực huyện Lương Sơn, Kim Bôi, TP. Hòa Bình, Mai Châu”, anh Hoàng Long – chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội nhận định.
Chia sẻ những quan điểm về sự phát triển của thị trường bất động sản Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng nhận định, cuộc đổ bộ của hàng loạt những ông lớn với các khu nghỉ dưỡng tại Hoà Bình không chỉ tác động thúc đẩy nghỉ dưỡng ven đô, mà còn khiến các phân khúc khác, đặc biệt là đất thổ cư nơi đây sôi động.
“Tuy nhiên, cần xem xét lại rằng, Hoà Bình có tiềm năng nhưng chỉ mới trong giai đoạn đón sóng. Cần có quy hoạch rõ ràng, đồng bộ về nhiều mặt hạ tầng, tránh gây lãng phí thì mới tận dụng được nhu cầu đầu tư để phát triển”, ông Đính nhấn mạnh