40 năm công trình thuỷ điện Hoà Bình – đại công trình thế kỷ
16/11/2019Tháng 11 năm 1979, Công trình thuỷ điện Hoà Bình được khởi công xây dựng. Sau tròn 40 năm, công trình vẫn là một biểu tượng về sự vĩ đại. Nhân dịp dấu mốc này và dự án Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng chuẩn bị được triển khai, hãy cùng Dạ Hợp đến với một số điểm nhấn của công trình tuyệt vời này.
Thủy điện Hoà Bình, có thiết kế nửa nằm trong núi, đòi hỏi độ chính xác cao trong kỹ thuật thi công, là công trình có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, có bốn nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu.
Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị, khởi công xây dựng tháng 11/1979, khánh thành tháng 12/1994. Đập dâng nước được áp dụng phương pháp màn chống thấm (đập đất đá lõi sét) chiều dài 734 m, chiều cao 128 m, chịu cột nước chênh lệch thượng, hạ lưu 102 m. Để xây dựng đập, công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông vào đầu các năm 1983 và 1986.
Phần thân của nhà máy nằm ngầm trong lòng đất. Để chống động đất và thấm nứt, các chuyên gia Liên Xô đã áp dụng kinh nghiệm xây đập thuỷ điện Aswan trên sông Nile (Ai Cập), bằng cách sử dụng kỹ thuật khoan phun xi măng và khoan phụt. Các loại vữa sét được phụt vào nền cát, cuội sỏi nằm trong lòng sông, tiếp đó, khoan vào nền đá và phun xi măng vào toàn bộ các lỗ khoan trong đá để tạo kết dính. Phương pháp này được tính toán vì vùng Tây Bắc có những cơn địa chấn lên đến cấp 8; sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa lũ lớn, năm 1971 ghi nhận lưu lượng mùa khô 600 m3/s còn mùa lũ lên đến 14.800 m3/s.
Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả.
Lực lượng tham gia công trình gồm: 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình.
Hầm thân đập dẫn vào bên trong nhà máy được lát đá, nếu đi từ cổng chính vào có chiều dài khoảng hơn 300 mét. Nơi đây có nhiều phòng chức năng nằm sâu trong lòng đất.
Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240 MW.
Mỗi tua bin khi hoạt động, bên cạnh sẽ có các tủ điện chức năng để kiểm soát lượng điện.
Qua 9 năm thi công, 14 giờ 10 phút ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng – tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới.
Hoạt động chính của nhà máy vẫn được thao tác trên phần mềm chuyên dụng được các kỹ sư quản lý và theo dõi nghiêm ngặt.
Trong 30 năm qua, thuỷ điện Hoà Bình đã sản xuất khoảng 230 tỷ kWh. Thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất từ nhà máy chiếm khoảng 40 % toàn hệ thống.
Chiếc máy xúc và chuyển đá đặt trang trọng tại nhà truyền thống bên bờ trái của đập. Những ngày đầu thi công đập trong lòng núi đá, chiếc máy sẽ tiến hành khoan đặt thuốc nổ, sau khi đảm bảo an toàn, chiếc máy này sẽ tiến vào đưa đất đá lên xe chở ra ngoài.
Bức thư tuyệt mật của các nhà lãnh đạo công trường trong đó có chữ ký của Tổng Chuyên viên Liên Xô gửi thế hệ Việt Nam 100 năm sau, được chôn chặt trong khối bê tông đặt ở nhà quan sát bờ trái. Lá thư viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, sẽ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100.
Hàng ngày có rất đông khách du lịch từ khắp nơi trên cả nước đến tham quan “công trình thế kỷ”.
Bên bờ đập thủy điện, đài tưởng niệm được xây cao, bên trong có 168 bát hương và tấm bia ghi tên những người đã ngã xuống trong thời gian xây dựng công trình.
Theo kế hoạch, Dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ được khởi công vào quý II/2020, hoàn thành phát điện tổ máy 1 vào Quý III năm 2023, phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023 và hoàn thành xây dựng công trình vào năm 2023.
Theo Vnexpress, Baodautu.vn.