Tiềm năng phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình
12/11/2022HÒA BÌNH – Sự tăng trưởng tốt của ngành du lịch sau đại dịch đã mở ra nhiều cơ hội cho giới đầu tư ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Hòa Bình.
Thị trường Hòa Bình có nhiều dư địa phát triển, có thể khai thác cho thuê và mang tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Lợi thế cạnh tranh của du lịch xứ Mường
Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình đã đón trên 1,68 triệu khách tham quan, du lịch, tăng 56,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 60.000 lượt, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm. Khách nội địa 1,62 triệu lượt, tăng 57,2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 115,4% so với cùng kỳ, đạt 79,2% kế hoạch năm
Sức hút du lịch của miền sơn cước này đến từ cảnh quan thiên nhiên phong phú như núi đồi trùng điệp, hệ thống hồ, sông, suối dày đặc, vẻ đẹp hoang sơ cùng nền văn hóa các dân tộc đặc sắc. Tất cả những điều này đã giúp nơi đây trở thành điểm thu hút du khách đến để nghỉ dưỡng, tận hưởng và khám phá văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là một điểm đến ưa thích của cư dân thủ đô cho các kỳ nghỉ cuối tuần vì chỉ cách Hà Nội khoảng gần 80 km.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Hòa Bình sở hữu nhiều lợi thế để phát triển những xu hướng du lịch phổ biến đang lan rộng trên toàn cầu như du lịch sinh thái (eco tourism), du lịch sức khỏe (wellness tourism), du lịch trải nghiệm thực tế (authentic tourism).
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đặt đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 4,9 triệu lượt khách, doanh thu đạt 5.400 tỷ đồng.
Động lực phát triển cho bất động sản
Bên cạnh lợi thế để phát triển du lịch, sự đầu tư về hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Hòa Bình phát triển.
Hạ tầng giao thông tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phương Sơn
Theo kế hoạch, giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch. Trong đó, trọng điểm là dự án mở rộng mặt đường quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình lên 80 – 110m, quy mô 6 làn xe với tổng vốn đầu tư khoảng 8.100 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý IV.
Cùng với đó, Bộ Giao thông và Vận tải cũng vừa thông qua đề xuất xây dựng đoạn đường dài gần 7 km, rộng 120 m với quy mô 6 làn xe, nối đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình.
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ gồm cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đường Vành đai 5 tại thủ đô đi qua huyện Lương Sơn, dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình…
Với những thế mạnh về du lịch và tiềm năng hiện hữu, thị trường bất động sản nơi đây đang thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia như VinGroup, Sun Group, Geleximco, T&T, Flamingo… có kế hoạch đầu tư các dự án quy mô. Điều này đã góp phần thay đổi diện mạo và giúp thị trường bất động sản tỉnh ngày càng trở nên sôi động. Bất động sản công nghiệp là thế mạnh của công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp tại tỉnh Hoà Bình.
Thực tế, trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản địa phương cũng đã ghi nhận biên độ tăng giá và khối lượng giao dịch lớn. Theo báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, đầu năm 2021, giá đất Hòa Bình tăng tới 46% so với năm 2020.
“Tuy đã tăng giá khá mạnh trong hai năm qua nhưng bất động sản Hòa Bình vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và dư địa tăng trưởng”, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội nhận xét.